Con đường khởi nghiệp gập ghềnh, khó khăn
Năm 2007, một nhóm kỹ sư thông tin phát triển dự án nhỏ tên gọi M_Service với ý tưởng cung cấp dịch vụ nạp tiền, ứng tiền cho 100 ngàn đại lý mạng di động theo hình thức B2B. Tuy nhiên ý tưởng này không hiệu quả vì M_Service phải tới tận các đại lý thu tiền mặt trực tiếp của các đại lý.
Họ xoay sang việc cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng viễn thông theo mô hình M_Pesa từng thành công tại Kenya. Tuy nhiên, thứ họ nhận được là những ánh mắt nghi ngại của khách hàng. Vì thời điểm đó khi gửi tiền qua dịch vụ chuyển tiền bưu điện hay nhờ người quen mang về gia đình dù chậm nhưng tỏ ra an toàn hơn.
Mất thêm hai năm, nhóm sáng lập tung ra một thử nghiệm khác, lần này có vẻ hay ho hơn. Họ tạo ra ứng dụng thanh toán trên smartphone đưa lên kho ứng dụng Android và iOS, tên là MoMo, viết tắt của từ Money Mobile. Được liên kết thử nghiệm với ngân hàng Vietcombank, ứng dụng có thể thanh toán thay tiền mặt ở một số địa điểm. Ý tưởng có vẻ sáng nước nhưng ngặt nỗi trong thế giới bao la của Internet, chiếc ví điện tử thử nghiệm này chìm nghỉm trong kho ứng dụng.
Kết quả là nhóm khởi nghiệp nhận được sự khích lệ nhỏ khi một bộ phận người dùng biết đến dù không dồn tiền quảng cáo rầm rộ. Năm 2016, nhận thấy ý tưởng đầy hứa hẹn, Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs rót 28 triệu đô la Mỹ vào công ty khởi nghiệp này. Nhờ số tiền đó mà đội ngũ phát triển MoMo tạm yên tâm về khả năng sống sót thêm vài năm để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, hoàn thiện mô hình phát triển khách hàng.
Cục diện xoay chiều từ năm 2018 khi MoMo như cỗ xe ngựa chuyển từ đi nước kiệu sang phi nước đại: năm 2019 đạt 10 triệu người dùng, tháng 9.2020 đạt mốc 20 triệu người dùng, đầu năm 2022 cán mốc 31 triệu người dùng và thu hút 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm – theo các công bố của MoMo.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo, đồng sáng lập, linh hồn phát triển sản phẩm, có chia sẻ rằng: “Việc đi sớm mang lại nhiều thách thức và gặp rất nhiều thất bại. Nhưng những lần thất bại giúp chúng tôi học hỏi được rất nhiều, đó chính là việc tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn sau này”.
Liên tục được quỹ ngoại rót vốn
Hiện nay, MoMo đã trải qua năm vòng gọi vốn. Nếu hai vòng gọi vốn đầu tiên năm 2013 và 2016 giúp công ty hoàn thiện mô hình kinh doanh thì các vòng gọi vốn series C, D và E diễn ra năm 2019 và 2021 (hai vòng) với các nhà đầu tư lớn tiêu biểu như Warburg Pincus, Mizuho, Affirma Capital, Tybourne Capital Management, Goodwater Capital, Kora Management… giúp công ty thúc đẩy tăng trưởng.
Trong vòng gọi vốn thứ năm cuối năm 2021, Mizuho Bank rót 170 triệu đô la Mỹ, tỉ lệ nắm giữ 7,5%, ví điện tử MoMo được định giá trên hai tỷ đô la Mỹ, trở thành kỳ lân thứ tư của Việt Nam cùng với VNG, VNLIFE và Sky Mavis.
Thuộc thế hệ khởi nghiệp thứ hai của Việt Nam, sau thế hệ VNG, VCCorp… các nhà sáng lập MoMo nhận xét nhiều startup hiện nay có thuận lợi rất lớn là có các quỹ đầu tư mạo hiểm cả trong nước lẫn quốc tế quan tâm săn đón, miễn là có ý tưởng đủ tốt. Mặt khó khăn là có nhiều startup ra đời nên cạnh tranh nhân tài là một bài toán nan giải.